Lao vẫn là một trong những căn bệnh truyền nhiễm gây tử vong cao trên thế giới. Hiện tại trên thế giới có 10 triệu người mắc bệnh Lao, 484.000 bệnh nhân Lao kháng thuốc. Việt Nam là một trong 30 quốc gia có tỷ lệ mắc Lao và Lao kháng thuốc cao nhất thế giới. Hơn 172.000 người đã mắc bệnh và 10.400 người chết vì bệnh lao (báo cáo của WHO năm 2020).
Ngày Thế giới Phòng chống Lao 24/3 hàng năm là dịp nâng cao nhận thức của cộng đồng đối với bệnh Lao, đẩy mạnh nỗ lực chấm dứt dịch bệnh Lao trên toàn cầu. Chủ đề ngày Thế giới Phòng chống Lao năm 2022 tại Việt Nam là “Giảm thiểu tác động của Covid – 19 – Tập trung nguồn lực – Tăng cường phát hiện bệnh Lao ”. Trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đến tiến trình thanh toán bệnh lao vào năm 2030, chủ đề nhấn mạnh năm 2022 này sẽ là lúc để chúng ta giảm thiểu những tác động của dịch bệnh, thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh mới, đặc biệt là tập trung, huy động mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống lao, trong đó tăng cường, chủ động sàng lọc, phát hiện sớm bệnh lao là một bước đi điển hình, đột phá có ý nghĩa vô cùng thiết thực trong bối cảnh hiện nay.
“COVID-19 và lao đều là hai căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhưng bệnh lao vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Bệnh lao là kẻ giết người thầm lặng. Không ai bị mắc lao mà tử vong ngay, bệnh thường kéo dài âm thầm và phát hiện muộn. Từ khi phát bệnh đến khi tử vong thì đã lây sang rất nhiều người khác. Vì vậy, phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống cho người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng và giảm nhanh dịch tễ bệnh lao.
Hằng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng.
Hiện tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, xấp xỉ 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn. Các công nghệ mới, thuốc mới, tiếp cận mới trên thế giới đã được áp dụng hiệu quả cao tại Việt Nam, ngay cả với lao đa kháng và siêu kháng thuốc.
Tại Hạ Long, trong 2 năm 2021 và 2022 (Tính đến 24/3/2022) tổng số bệnh nhân lao và lao kháng thuốc là 318 người, tỷ lệ người điều trị khỏi và hoàn thành điều trị đạt trên 90%.
Bệnh lao được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, sẽ giảm tỷ lệ lây nhiễm và tử vong, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao; mỗi chúng ta hãy:
- Lan tỏa yêu thương – kết nối cộng đồng – Chấm dứt bệnh lao!
- Phải phòng, chống Lao như phòng, chống COVID – 19!
- Đã đến lúc cùng hành động vì một Việt Nam không còn bệnh lao!
- Sáng lọc sớm – Tránh trở nặng – Ngừa tử vong!
- Đừng ngại COVID mà không đi sàng lọc lao!
- Gặp ngay bác sĩ khi có triệu chứng khi có triệu chứng nghi lao!
- Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm lao!
- Không ai đáng phải chết vì bệnh lao, đặc biệt là trẻ em!
- Tôi không sợ bệnh lao, tôi sợ sự xa lánh và vô cảm của xã hội!
- Chiến thắng bệnh lao, chiến thắng đói nghèo!
- Phòng chống lao – Trách nhiệm của các cấp, các ngành và bản thân mỗi người dân, tiến tới thanh toán bệnh lao!
- Vì sức khỏe Việt Nam, hãy cùng hành động để chấm dứt bệnh lao vào năm 2030!