Bệnh ho gà là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp do vi khuẩn ho gà gây lên. Trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ mắc ho gà cao, người bệnh có thể sốt nhẹ hoặc không sốt, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho.
Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho hắt hơi. Bệnh dễ lây trong môi trường sinh hoạt hẹp, đông người. Tỷ lệ mắc bệnh ở người có tiếp xúc với người bệnh lên đến 90-100%.
Đối tượng có nguy cơ bị mắc ho gà: Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên có hơn 90% số ca mắc là trẻ dưới 1 tuổi chưa tiêm phòng hoặc chưa tiêm đủ 3 mũi cơ bản. Trẻ càng nhỏ thì bệnh càng nặng và càng nhiều biến chứng.
1. Biểu hiện của bệnh ho gà
Thời kỳ ủ bệnh: 2- 30 ngày (trung bình 5- 12 ngày) kể từ ngày tiếp xúc với người bệnh. Giai đoạn này bệnh nhân chưa có biểu hiện gì
Thời kỳ có các biểu hiện đầu tiên (hay còn gọi là giai đoạn xuất tiết, giai đoạn viêm long): Thường từ 3- 14 ngày với các biểu hiện: sốt nhẹ, từ từ tăng dần; các triệu chứng viêm long đường hô hấp: ho khan, hắt hơi, chảy nước mũi, đau rát họng, dần dần chuyển thành ho cơn.
Thời kỳ toàn phát (hay giai đoạn co thắt, giai đoạn ho cơn): Kéo dài 1- 2 tuần, xuất hiện những cơn ho điển hình, xảy ra bất chợt, vô cớ, cả ngày và đêm, ho nhiều về đêm. Cơn ho diễn biến qua 3 giai đoạn là: ho, thở rít ở thì thở vào và khạc đờm.
Ho: Ho rũ rượi, thành cơn, mỗi cơn từ 15- 20 tiếng ho liên tiếp, càng về sau càng yếu và giảm dần. Ho nhiều làm trẻ thở yếu dần có lúc như ngừng thở, mặt tím tái, mắt đỏ, tĩnh mạch cổ nổi, chảy nước mắt, nước mũi.
Thở rít ở thì thở vào: Xuất hiện cuối cơn ho hoặc xen kẽ sau mỗi tiếng ho, trẻ thở rít vào nghe như tiếng gà rít.
Khạc đờm: Khi trẻ khạc đờm trắng, màu trong, dính như lòng trắng trứng là lúc kết thúc một cơn ho. Trong đờm có trực khuẩn Ho gà.
Sau mỗi cơn ho trẻ bơ phờ mệt mỏi, có thể nôn, vã mồ hôi, mạch nhanh, thở nhanh.
2. Những biến chứng của bệnh Ho gà
Các biến chứng bội nhiễm: Phế quản phế viêm, giãn phế quản, viêm màng phổi.
Viêm não do Ho gà: Với biểu hiện sốt cao, có tổn thương thần kinh trung ương như ý thức thay đổi, li bì, hôn mê, co giật, liệt khu trú.
Suy dinh dưỡng: Do trẻ không ăn và nôn nhiều.
Các biến chứng khác: Chảy máu kết mạc, sa trực tràng, xuất huyết màng não…
Các biến chứng trên thường gặp ở trẻ nhỏ, trong đó viêm phổi là biến chứng thường gặp nhất và dễ gây tử vong, đặc biệt ở trẻ dưới 1 tuổi. Trẻ có thể bị tím tái do thiếu ô xy trong cơn ho, nôn kiệt sức thường đi kèm theo sau cơn ho.
3. Để chủ động phòng, tránh bệnh Ho gà, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:
– Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất. Cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch:
Tiêm 3 mũi vắc xin có thành phần phòng bệnh ho gà: tiêm cho trẻ vào lúc trẻ đủ 2, 3, 4 tháng tuổi.
+ Tiêm nhắc lại vắc xin mũi thứ 4 có thành phần ho gà vào lúc trẻ được từ 18 đến 24 tháng tuổi.
Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; Che miệng khi ho hoặc hắt hơi; Giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hàng ngày; Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
Cần phải cách ly những trẻ bị Ho gà trong thời gian ít nhất 4 tuần kể từ khi có cơn ho điển hình.
Khi tiếp xúc với bệnh nhân cần đeo khẩu trang, vệ sinh phòng ở, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.
Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh Ho gà trẻ phải nghỉ học, cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.