Bệnh cúm: Nguyên nhân, triệu chứng và cách phòng ngừa

  1. Nguyên nhân

Cúm (hay còn gọi là cúm mùa) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây ra bởi virus cúm (Influenza virus); lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi.  Tại Việt Nam, bệnh cúm thường gây ra bởi virus cúm chủng A, B, C, trong đó chủng hay gặp nhất ở người là chủng A và B. Cúm có khả năng lây truyền khủng khiếp, được xếp vào một trong những căn bệnh đáng sợ nhất thế giới khi bùng phát thành dịch. Lịch sử đã ghi nhận nhiều đại dịch cúm cướp đi mạng sống của hàng triệu người.

Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh cúm, tỷ lệ cảm nhiễm với các chủng vi rút cúm mới rất cao, có thể lên tới 90% cả người lớn và trẻ em. Nghiêm trọng hơn, ở người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch, người già trên 65 tuổi, trẻ nhỏ dưới 5 tuổi và phụ nữ mang thai… bệnh có thể diễn biến nặng hơn như viêm tai, viêm phế quản, viêm phổi, viêm não có thể dẫn đến tử vong.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, hàng năm thế giới có khoảng 5-10% người lớn và 20-30% trẻ em bị nhiễm cúm, trong đó, có khoảng nửa triệu người tử vong do những vấn đề sức khỏe liên quan đến bệnh cúm. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận 1-1.8 triệu người mắc cúm mùa. Trước đây, cúm dễ gặp vào mùa lạnh, mùa đông xuân, nhưng hiện nay tại Việt Nam, cúm đã xuất hiện quanh năm và có thể gây ra những ổ dịch rải rác tại các địa phương.

2. Triệu chứng của cúm

Cúm thường có biểu hiện ngay sau 2 ngày khi cơ thể tiếp xúc với virus gây bệnh. Những triệu chứng ban đầu có thể gặp là sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau mỏi cơ bắp, chóng mặt, mệt mỏi… Trẻ em khi mắc cúm có thể có thêm triệu chứng đau tai, đau họng, tiêu chảy, nôn mửa

Cúm là bệnh rất dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều người xem nhẹ cúm, không có những biện pháp bảo vệ, phòng ngừa, từ đó phải gánh chịu những hậu quả đau lòng.

3. Đối tượng nào dễ mắc cúm?

Cúm là bệnh hết sức phổ biến, bất cứ ai cũng có thể mắc phải. Cúm có thể diễn tiến với các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng, đặc biệt là các đối tượng:

Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi;

Người lớn, đặc biệt là người trên 65 tuổi;

Phụ nữ mang thai;

Người bị suy giảm hệ miễn dịch;

Người bị béo phì nặng;

Người có các bệnh lý mãn tính như hen, bệnh phổi mạn tính, bệnh tim mạch, HIV/AIDS hoặc ung thư…

Ngoài ra, những người làm việc tại môi trường đông người như bệnh viện, trường học và công sở là những đối tượng có nguy cơ mắc và lây truyền bệnh cúm rất cao.

4. Bệnh cúm lây truyền như thế nào?

Virus cúm có thể lây truyền trực tiếp từ người sang người thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi…, dịch mũi họng và các giọt nước bọt mang theo virus bay vào không khí, người lành hít phải sẽ bị nhiễm bệnh.

Bên cạnh đó, các giọt dịch này khi vấy bẩn lên đồ ăn, vật dụng… cũng có thể truyền virus gây bệnh. Đây là nguyên nhân khiến cúm rất dễ lây lan nơi đông người. Nếu không phòng ngừa hiệu quả, cúm có thể lây truyền khủng khiếp gây ra đại dịch.

5. Biến chứng của cúm

Cúm thường diễn ra quanh năm, có những dấu hiệu dễ nhầm lẫn với cảm thông thường nên rất nhiều người xem nhẹ. Chính vì sự chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn đã khiến bệnh chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp. Cúm còn là khởi nguồn của các bệnh: viêm tai giữa, viêm xoang, viêm đường tiết niệu… nếu không điều trị kịp thời.

Phụ nữ mang thai nhiễm cúm trong 3 tháng đầu có khả năng sảy thai, thai lưu hoặc dị tật thai nhi. Nếu không may mắc cúm trong thời gian mang thai, phụ nữ nên theo dõi sự phát triển của thai nhi bằng cách khám thai và siêu âm mỗi 2 tuần trong 2 tháng đầu và tiếp tục khám thai định kỳ sau đó. Thực hiện tất cả các xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.

Biến chứng nguy hiểm nhất của cúm là hội chứng Reye (gây sưng phù ở gan và não). Mặc dù đây là hội chứng hiếm gặp nhưng rất nghiêm trọng, tỷ lệ tử vong cao. Hội chứng này thường hay gặp nhất ở trẻ em từ 2-16 tuổi. Reye xuất hiện chỉ sau vài ngày bị cúm, khi các triệu chứng có dấu hiệu giảm dần, trẻ đột nhiên nôn mửa, chuyển sang mê sảng, co giật đi vào hôn mê sâu rồi tử vong.

6. Phòng ngừa bệnh cúm như thế nào?

Phòng tránh lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Người thân và bệnh nhân nên đeo khẩu trang y tế; khi tiếp xúc với người bệnh nên giữ khoảng cách trên 1m;

Người mắc bệnh mạn tính, trẻ em, người cao tuổi và phụ nữ có thai cần tránh tiếp xúc với người đang mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi mắc cúm;

Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Khi ho, hắt hơi nên che miệng và mũi bằng khăn giấy rồi bỏ vào thùng rác. Mỗi ngày nên vệ sinh mũi, họng bằng nước muối sinh lý;

Vệ sinh, đảm bảo không gian sinh hoạt, học tập và phòng làm việc luôn thông thoáng; lau chùi các vật dụng bằng hóa chất diệt khuẩn;

Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất và rèn luyện sức khỏe đều đặn để nâng cao sức đề kháng, phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh;

Tiêm vắc-xin cúm mùa định kỳ hàng năm – biện pháp phòng ngừa cúm hiệu quả nhất; Vắc xin ngừa cúm có khả năng tạo ra kháng thể chủ động bảo vệ cơ thể trước sự tấn công của virus cúm. Khả năng bảo vệ của vắc xin cúm sau khi tiêm ngừa lên đến 97%. Phụ nữ chuẩn bị mang thai hoặc đang mang thai nên tiêm vắc xin cúm để bảo vệ an toàn cho cả mẹ và con trong suốt thai kỳ, cũng như bảo vệ con sau sinh trong 6 tháng đầu khi trẻ chưa đến tuổi được tiêm phòng vắc xin cúm.vì virus cúm luôn biến đổi nên mỗi người cần tiêm vắc-xin cúm định kỳ hằng năm để bảo vệ cơ thể một cách tốt nhất.300

Chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện ho, sốt, đau đầu, đau họng, mệt mỏi, nhức đầu,… cần đến ngay cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời. Nếu được xác định mắc cúm cần được cách ly, đeo khẩu trang phòng lây nhiễm cho người khác;

Không tự ý sử dụng thuốc, cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

7. Tại sao phải tiêm cúm nhắc lại hằng năm?

Cúm là loại virus có nhiều chủng loại và biến đổi hàng năm. Mỗi năm, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lại đưa ra dự báo về chủng cúm mới, và vắc xin cúm mùa thường được sản xuất dựa trên dự báo đó để phù hợp với các chủng gây bệnh đang lưu hành. Hơn nữa, kháng thể bảo vệ tạo ra nhờ virus cúm chỉ tồn tại trong thời gian ngắn dưới 1 năm. Đó là lý do mỗi loại vắc xin cúm mùa chỉ có tác dụng đối với một chủng vi rút cúm nhất định và phải tiêm nhắc lại khi có vắc xin ngừa chủng cúm mới để đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất.

Nguồn: Tổng hợp

 

Các tin liên quan
THÔNG BÁO
BẢN TIN COVID 19
Lịch công tác
Phòng ban trực thuộc
Cấp cứu 24/7

+84-033-3825277

ĐƯờng dây nóng

0919 080 235

PHÓ GIÁM ĐỐC
BÀ NGUYỄN THỊ BÍCH THUỶ

PHÓ GIÁM ĐỐC